Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog. Mến chúc các bạn blog một ngày thư giản vui vẻ!
 Các bài viết gần đây 

16 tháng 2, 2010

Nhớ Thầy...


"Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” - câu tục ngữ ấy vẫn nằm lòng nhiều người dẫu cuộc sống đổi thay từng ngày. Mang theo không khí mùng 3 tết thầy, được sự đồng ý của ba (nhạc phụ), Ninh'blog xin giới thiệu với các bạn bài viết của ba về một người thầy đã mất mà ba rất tôn kính

Ngày nay, tôi đã 65 tuổi đời. Thầy tôi rất nhiều: Thầy tiểu học, thầy trung học, rồi thầy Đại Học.

Nhưng có một người thầy từ ấy đến giờ tôi không bao giờ quên. Từ hình dáng, khuôn mặt đến tính cách rắn rỏi trong cuộc sống, nghiêm khắc trong giảng dạy, rất tận tâm và “tùy tâm lý” học trò. Tất cả vì học trò thân yêu.

Giờ hoạt dộng thanh niên thầy dành lại buổi chiều “dẫn học trò đi rừng chồi gần trường dã ngoại, ăn táo rừng” hay xuống “ấp ăn me đậu phọng’… Điều tôi nhớ nhất “tôi không tìm được ở quý thầy khác” thầy với lương tâm thúc đẩy hành động. Thầy là người “kiến trúc sư” tạo bước thang đầu tiên tôi được bước lên để “biến đổi tương lai cuộc đời”.

Đó là thầy Phan Văn Chỏi.

Thầy dạy tôi lớp nhất (lớp 5 ngày nay) năm 1956. Năm ấy quận Long Thành thiếu trường lớp. Hai lớp nhất phải học tạm tại đình Phước Lộc (cạnh chợ Chiều Đường 25A). Hướng nhìn ra đường được che chắn tạm bằng “vách cót”. Các cột đình to che chắn tầm nhìn lên bảng của học sinh. Nhưng học trò lớp nhất A học giỏi hơn lớp khác nhờ ngoài các bài tập “theo sách giáo khoa” thầy Chỏi còn cho luyện tập nhanh các bài “toán do thầy tự ra đề từ dễ đến khó dần”.

Có lần thầy cho đề toán “thật khó” để học sinh về nhà giải bài. Hôm sau duy nhất có mình tôi là “giải đúng”. Từ đấy thầy rất quan tâm, chiếu cố đến tôi. Và thầy là người “cố vấn” để cha tôi quyết định tương lai cuộc đời tôi.

Thuở ấy gia đình tôi nghèo lắm. Cha tôi đi làm “phụ thợ cưa”, mẹ ở nhà nấu rượu nuôi heo. Nhà vách che chắn bằng mo cau. Mái lợp tranh. Nói đúng hơn là túp lều. Che mưa nắng cho 7 người, nhà không có phòng riêng, không cửa đóng…

Ngày đi lên tỉnh Biên Hòa để thi tuyển vào đệ thất trường Ngô Quyền (Lớp 6 ngày nay) tôi phải theo cô Hai Nghiệm bạn hàng mua bán “Phú Hội-Biên Hòa” Lần đầu tiên tôi bước chân lên thành phố. Quần đùi, áo sơ mi mẹ may bằng tay tôi thích nhất, chân đi “guốc xuồng” cha tôi đẻo bằng cây gòn… Đây cũng là lần đầu tiên tôi phải “mang guốc” đi ngoài đường, trước giờ tôi chỉ quen đi chân đất, guốc chỉ mang để rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ.

Rồi ngày thi đã qua.
Bài thi tôi đã làm tốt nhưng làm sao hi vọng được “đậu” vào trường trung học tỉnh khi học sinh dự thi quá đông cả tỉnh Biên Hòa (ngày nay là tỉnh Đồng Nai còn thêm huyện Tân Uyên và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương). Trường Ngô Quyền chỉ tuyển 100 học sinh nam và 50 học sinh nữ.

Trường Ngô Quyền xưa

Từ ngôi trường này đã thay đổi cuộc đời tôi...
Ngày đi thi me tôi dẫn đến gửi cô Hai Nghiệm. Lúc về, nước mắt mẹ lưng tròng lăn nhẹ trên đôi má hóp. Rung rung giọng mẹ bảo “Mong cho con đừng đậu!. Đậu rồi làm sao để đi học được”. Do vậy ngày thi về tôi vẫn chấp nhận thực tại. Không nhắc đến, cũng không vô trường xem kết quả cuộc thi. An phận theo kế hoạch của cha tôi “cho tôi vào Long Thành để học thợ máy với bác Nghệ, bác Bách”. Hi vọng có nghề trong tay. Số phận đã an bài. Tôi chuẩn bị đi học thợ máy.

Thì …vào buổi trưa nắng nóng. 20 lít nước đè nặng lên vai bé trai 11 tuổi. Tôi đi gánh nước uống ở giếng cô Ba Ớn cách nhà khoảng 500m. “đôi thùng nửa” (thùng dầu lửa 20 lít con gà bằng thiếc cắt đôi, đóng cáng, mỗi thùng 10 lít) đầy nước phải đi cẩn thận kẻo bị tạt đổ lưng thì uổng công. Từ giếng về đến nhà phải nghỉ vai nhiều lần.

Lần nghỉ đầu tiên trước nhà cô Ba Thận.
Bỗng nhiên tôi thấy thầy tôi, đúng là thầy Chỏi rồi, thầy đang đẩy xe đạp qua cầu, mồ hôi ước cả áo thầy, tôi vội vàng để đòn gánh xuống, khoanh tay thưa thầy xong vội vàng khom lưng lấy đòn gánh “gánh nước đi tiếp”. Nhưng chưa kịp bước thì đã nghe thầy gọi: “Khiến! nhà mày đâu, dẫn thầy về nhà mau?”.
- Dạ

Tôi đi trước, thầy theo sau. Thầy bảo tôi có nặng thì cứ nghỉ thầy đợi. Thầy không nói thêm điều gì nữa, lặng lẽ theo tôi về nhà. Tôi vừa lo sợ không biết thầy đến nhà “có chuyện gì”

Đến nhà.
Hôm nay, cha không đi cưa vì hết việc. Cha tôi đang làm cỏ, tôi chạy ra vườn báo “thầy con đến nhà”. Cha tôi vội buông cuốc vào chào tiếp thầy. Tôi ở nhà bếp, thoáng thoáng nghe lén “sao thầy lại đến nhà mình”.

Sau câu chuyện xã giao thông thường. Rồi câu thầm hỏi ấy cũng được giải đáp

Thầy hỏi cha tôi:
- Sao thằng Khiến không vô trường coi kết quả thi?
- Thưa thầy, nhà nghèo quá tôi dự định cho nó đi học thợ máy. Làm sao cho đi học Biên Hòa được.”
- Vậy sao được. Cả tỉnh nó đậu hạng 3 đó, đậu cao nhất của quận Long Thành mà. 10 đứa đầu được lãnh học bổng.
- Thưa thầy, nhà nghèo quá lại không có người quen ở Biên Hòa, làm sao cho nó đi học nổi.

Lời thầy suốt đời tôi không bao giờ quên. Thầy bảo:
- Tôi thấy thằng Khiến nó học được. Học trò số 1 của tôi, vì nó mà tôi đã đạp xe 10 cây số giữa trưa nắng đi tìm nhà để báo tin và “động viên” nó đi học. Nếu khó khăn anh cho nó để tôi cho nó đi học tiếp. Lấy Tú Tài tôi sẽ trả nó lại cho anh. Bảo nó ngày mai vào gặp tôi để làm đơn, trường xác nhận để lãnh học bổng, đủ ăn cơm tháng đi học chẳng lẽ để tôi đạp xe 20km đi về vô ích sao?

Thoáng buồn lo qua mắt cha tôi. Cha tôi quên đi lời cảm ơn chân thành mà nhẹ ”dạ” một tiếng không thành lời. Tự ái của người cha trào dâng. Không hiểu được tâm trạng của cha tôi lúc ấy thế nào mà măt ông đỏ lên, rồi nước mắt tuông nhẹ.

Rung rung giọng ông mời:
- Mời thầy ở lại dùng cơm trưa, gọi là mừng thầy, mừng con tôi thi đậu. Tôi sẽ lo cho nó đi học.
- Đúng vậy chớ. Thầy tôi thật vui. Nét mặt tươi hẳn lên.
- Tôi hi vọng thằng Khiến lắm.
Thầy tôi ra về, nắng xế chiều vẫn còn nóng lắm.

Tôi vẫn còn nhớ đề thi văn năm ấy “Em hãy tả mùa nắng năm nay? Em có thích không? Tại sao?”
Năm 1957. Mùa nắng khắc nghiệt. Nhưng hôm ấy có một người thật mát lòng
Đó là thầy tôi Phan Văn Chỏi
Lương tâm, đạo đức của thầy “vì học trò” đúng nghĩa đã chinh phục được cha mẹ tôi và tôi “phải vượt khó” chính nhờ thầy tôi đã nên người. Xứng đáng niềm hi vọng của thầy!.
Ơn thầy làm sao quên được.

Nguyễn Đức Khiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog
Các bạn đến chơi để lại comment nhé. Cảm ơn các bạn!

۞ Bài viết xem nhiều trong tháng


Bản quyền thuộc về Gia đình Ninh'blog