Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog. Mến chúc các bạn blog một ngày thư giản vui vẻ!
 Các bài viết gần đây 

31 tháng 8, 2010

Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa

Văn miếu Trấn Biên là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và làm nơi đào tạo nhân tài phục vụ cho chế độ. Năm 1861, nơi thờ phụng trên đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Mãi đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khởi công khôi phục lại nơi vị trí cũ, và hoàn thành vào năm 2002. Hiện nay toàn thể khu vực uy nghi, đẹp đẽ và qui mô này, tọa lạc tại khu đất rộng thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Xây dựng: Để có nơi bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa giáo dục xưa và nay của dân tộc Việt ở vùng đất mới, 17 năm sau, tức năm Ất Mùi 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai trấn thủ Nguyễn Phan Long và ký lục Phạm Khánh Đức xây dựng Văn miếu Trấn Biên. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế. 

Trùng tu: Văn miếu Trấn Biên có hai lần được trùng tu lớn: Lần trùng tu thứ nhất vào năm Giáp Dần 1794.Lần trùng tu thứ hai vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852). Sau khi hoàn thành văn miếu có qui mô lớn hơn trước.


Bị phá bỏ: Năm 1861, quân Pháp tiến đánh Biên Hòa, sau 2 ngày giao chiến với quân Việt. Khâm sai Nguyễn Bá Nghi rút quân về vùng rừng núi Phước Tuy, rồi ra Bình Thuận. Tuần vũ Nguyễn Ðức Duy và Án sát Lê Khắc Cần cố cầm cự rồi cũng rút quân theo. Ngày 17 tháng 12 năm 1861, quân Pháp chiếm được thành, và đã cho phá bỏ Văn miếu Trấn Biên, sau 146 năm tồn tại.Được khôi phục: Ngày 9 tháng 12 năm 1998, một công trình mới mang tên Văn miếu Trấn Biên được khởi công khôi phục lại trên nền văn miếu cũ tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách trung tâm thành phố khoảng 3km, và gần Trung tâm Văn hóa Du lịch Bửu Long trong phạm vi khoảng 2 ha, với số tiền đầu tư gần 20 tỷ đồng. Công trình được khánh thành giai đoạn 1 vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Ngọ (nhằm ngày 14 tháng 2 năm 2002). Sau đó, trong dịp kỷ niệm 290 năm Văn miếu Trấn Biên (1715 - 2005), nhiều hecta đất đã được giao thêm và giai đoạn 2 của công trình tiếp tục được thực hiện...

Kiến trúc, thờ phụng: Đây là công trình được xây dựng theo kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, gồm các hạng mục: nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ... thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài. Nổi bật giữa vùng không gian thoáng đãng, nhiều cây xanh, là những vòm mái cong, lợp ngói lưu ly mầu xanh ngọc (gốm tráng men). Từ Văn miếu môn lần lượt là nhà bia truyền thống Trấn Biên - Đồng Nai, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, cổng tam quan, nhà bia thứ hai thờ Khổng Tử và sau cùng là nhà thờ chính rộng lớn. Ở đây có tấm bia lớn có khắc dòng chữ to: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia".

Ở gian giữa có bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tường có biểu tượng trống đồng tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam và Quốc Tổ Hùng Vương.

Bên trái nhà là nơi thờ các danh nhân văn hóa Việt Nam như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, ...bên phải thờ danh nhân đất Nam Bộ như: Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, ....

Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

Phía trước hai bên nhà thờ chính còn có hai ngôi miếu, miếu bên trái thờ Tiên sư, miếu bên phải thờ Tiền hiền - Hậu hiền. Ngoài ra, nơi Văn miếu Trấn Biên còn có khu sinh hoạt truyền thống gồm có nhà truyền thống, bia truyền thống, và các công trình phụ cận. Bia truyền thống Trấn Biên – Đồng Nai khắc bài văn khái quát về truyền thống văn hóa, giáo dục của Biên Hòa xưa và nay. Nhà truyền thống chủ yếu dùng để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước...


Khuê Văn Các

Toàn cảnh bên trong Văn Miếu

Nhà bia thờ Khổng Tử


Trong gian thờ này, đặc biệt có trưng bày 18 kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

Văn Miếu về đêm đẹp lung linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog
Các bạn đến chơi để lại comment nhé. Cảm ơn các bạn!

۞ Bài viết xem nhiều trong tháng


Bản quyền thuộc về Gia đình Ninh'blog