Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy / Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog. Mến chúc các bạn blog một ngày thư giản vui vẻ!
 Các bài viết gần đây 

28 tháng 6, 2012

Vai trò của cha trong việc giáo dục con cái

Từ xưa các cụ đã nói: "Con không cha như nhà không có nóc". Quả thật, sự thiếu vắng sự giáo dục của người cha là điều thiệt thòi rất lớn với trẻ em. Và… tôi đã cảm nhận và thấm thía điều này, Vì…tôi đã “mất cha” khi chưa đầy 6 tuổi, Các bạn biết không? Tôi “mất cha vì bị cha bỏ rơi”, vì cha chán cảnh sống nghèo khổ của gia đình lúc bấy giờ nên đã bỏ mẹ để chạy theo một người đàn bà khác với hy vọng được sống một cuộc sống khá giả hơn, ông đang tâm bỏ luôn ba đứa con thơ dại của mình đến nay gần 40 năm chưa lần nào tìm thăm chúng, hay ít ra cũng thể hiện trách nhiệm làm cha dù chỉ một lần… Cách đây gần 20 năm, ngày vợ tôi sinh con đầu lòng, đó là một bé trai kháu khỉnh, tôi thật sự sung sướng!, thật sự hạnh phúc! vì lần đầu được làm cha, nhìn con thơ mà nước mắt rưng rưng, tôi đã thầm hứa bên tai con: ”Con yêu! Nhất định cha sẽ là người cha tốt!” 

Chúng ta, những người làm cha, là những trụ cột trong gia đình hãy cùng nhau chia sẻ để cảm nhận về vai trò của cha trong gia đình mà đặc biệt là “Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái”. Qua gần 20 năm trong việc tham gia cùng bà xã trong việc giáo dục các con, tôi nhận thức rõ điều này và xin chia sẻ với các bạn ở 4 vấn đề lớn sau đây: 


1. Hãy dành thời gian để gần con trẻ: Tôi thấy có nhiều ông bố không chú trọng và không dành thời gian chơi với con, họ cho đó là việc không cần thiết, đây là điều sai lầm!. Trên thực tế, con trẻ rất thích chơi với cha. Người cha có những lúc biến thành đứa trẻ lớn, cha và con là những người bạn vui chơi nô đùa cùng nhau, người cha luôn sẵn sàng trả lời những câu hỏi của con. Chính qua những hoạt động chung này, con chúng ta sẽ rèn luyện được tính hoạt bát nhanh nhẹn, cởi mở, dũng cảm, tự tin và trí tuệ. Ở bên cạnh cha” trẻ sẽ thấy yên tâm, vững tin hơn, chính điều này mà có những đứa trẻ cái gì cũng bố. Bố là Tất cả!: “Bố là tàu lửa, bố là xe hơi. Bố là con ngựa em cưỡi em chơi, Bố là thuyền nan, cho em vượt sóng, Bố là sông rộng cho thuyền em bơi…” Vậy, những người cha như chúng ta dù có bận làm ăn buôn bán hay công việc xã hội đến mấy cũng nên dành khoảng thời gian mỗi ngày để cùng chơi và trò chuyện với con nhé!. 

2. Hãy là tấm gương mẫu mực cho con cái: Qua thực tế cho thấy, trẻ rất thần tượng người cha của mình, người cha như chúng ta có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của trẻ. Chúng ta cần phải chuẩn mực từ lời nói đến hành động, lời nói phải đi đôi với việc làm, có như thế lời nói của cha mới có "sức nặng". Dạy con bằng lời nói chưa đủ, mà còn phải dạy con qua gương sống của chính mình. Những điều bạn dạy con bằng lời nói có ảnh hưởng 1 phần, thì những điều bạn thể hiện bằng hành động sẽ ảnh hưởng đến con bạn gấp 10 lần đấy. 

3. Đừng áp đặt suy nghĩ của mình lên con: Không nên quan niệm rằng mình là cha, mình có quyền bắt con cái làm theo những gì mình muốn, vì cho rằng: “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Điều đó đôi khi sẽ tạo phản ứng ngầm trong suy nghĩ của con bạn. Hãy dành thời gian nói chuyện với chúng như những người bạn. Khi nói chuyện, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều từ con mình: từ tính cách, sở thích, suy nghĩ và rất nhiều thông tin quan trọng khác 

4. Hãy phối hợp với mẹ cùng giáo dục con cái: Nhiều người vẫn còn quan niệm rằng: “đàn ông ra ngoài kiếm tiền, phụ nữ ở nhà nội trợ, nuôi dạy con cái”. Vậy nên suy nghĩ ở các ông bố rằng việc giáo dục con cái là trách nhiệm của mẹ, “Con hư tại mẹ!”. Thật sai lầm! trên thực tế trong gia đình, thì vai trò, trách nhiệm của người cha và người mẹ là quan trong như nhau, con trẻ không thể thiếu được sự dạy dỗ và tình thương yêu của cha hay của mẹ. Không phải ngẩu nhiên mà nhà thơ Tuấn Dũng đã viết ra bài thơ rất xúc động, sau đó được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu phổ nhạc, trong đó có đoạn: “Ba sẽ là cánh chim, Đưa con đi thật xa, Mẹ sẽ là nhành hoa, Cho con cài lên ngực…” 

Thông thường, trong quá trình giáo dục trẻ thì người mẹ thường đóng vai chính vì người mẹ có nhiều thời gian gần gủi chăm sóc con hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là người cha không có một vị trí quan trọng. Muốn làm tốt điều này đòi hỏi ở người cha một sự trao đổi, bàn bạc với người mẹ, có sự thống nhất cao trong các quan điểm, các phương pháp dạy con để có được sự phối hợp cần thiết. Tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèm thổi ngược. Một người cha nghiêm khắc sẽ không thể nào dạy được con nếu bà mẹ chiều con quá mức hoặc ngược lại. 

Đây cũng là điều mà ít gia đình làm được. Bởi lẽ, giữa hai vợ chồng, nhiều khi quan điểm giáo dục trái ngược nhau. Nhiều khi, bố dạy một đằng, mẹ dạy một nẻo làm cho con cái không biết "đường nào mà lần". Cuối cùng, hẳn chúng sẽ làm theo ý riêng của mình. 

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội gia tăng đến mức đáng lo ngại. Để bảo vệ con, chúng ta, nhũng bậc làm cha mẹ hãy dạy dỗ con đúng cách, để con trẻ tự nhận thức những việc nào đúng, những việc nào sai, việc nào nên làm hoặc không nên làm. Cha mẹ hãy là người đứng phía sau lặng lẽ quan tâm từng bước đi của các con. Chúng ta phải là “tấm lá chắn” vững vàng để bảo vệ con trẻ không bị xâm hại từ nhiều hướng, giúp các con trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội./. 

(Bài thuyết trình được giải 3 trong Hội thi Gia đình văn hóa thể thao miền Đông Nam bộ năm 2012)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chào mừng các bạn đến thăm gia đình Ninh'blog
Các bạn đến chơi để lại comment nhé. Cảm ơn các bạn!

۞ Bài viết xem nhiều trong tháng


Bản quyền thuộc về Gia đình Ninh'blog